Skip navigation

Bi kịch xã hội là có rất nhiều người sắp hết đời mới hiểu được cái lẽ rằng chân lý cũng chẳng phải là cái gì cố định. Ngay tôn giáo là cái mà ta hằng tôn thờ thì cũng có những điều được tôn giáo này coi là chân lý, nhưng tôn giáo khác thì lại coi đó là ma quỷ nữa là. Từ cuộc sống của mình, tôi ngẫm rất dễ dàng để mà phát hiện có nhiều điều hôm qua là chân lý – được số đông thừa nhận, mà nay lại bị quay lưng… Triết học duy vật hay triết lý Phật giáo chẳng đã cùng phân tích và chứng minh vạn vật đều biến đổi theo thời gian là gì…

Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm trong cuốn “Tìm lại chính mình” cũng có nói “chân lý” chẳng qua là hiện tượng không có thật, có thể nói đó là cái trước mắt muốn đến gần, nhưng không phải là cái bất biến, vĩnh hằng, mãi mãi. Ngài dẫn chứng trong Kinh Kim Cương có nêu ví dụ: Mục đích của chiếc bè là để đưa con người qua sông, khi đã qua sông chúng ta không nên cố chấp, luyến tiếc rồi mang cả chiếc bè theo mình lên bờ. Điều đó để nói rằng Phật pháp bất quá cũng chỉ là phương tiện đưa mình qua sông, hãy để cho họ nắm lấy Phật pháp, dựa theo những điều của Phật pháp để tu hành. Khi đã nắm bắt chân lý thì còn phải biết xả bỏ ngay cả ý niệm về theo đuổi chân lý, đó mới là sự tự do đích thực. (Sđd trang 73).

Nếu như chân lý là khả biến thì đừng ai buộc ai đó phải giải thích rằng tại sao hôm qua anh thế này, mà hôm nay anh lại thế khác… Thí dụ một nhà báo khi phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cứ hỏi xoáy vào tình cảnh hôm nay của nhà thơ và buộc ông phải đắng lòng mà tâm sự rằng ông như một “gái góa” – chồng chết mà phải thờ.

Người ta nói thánh nhân cũng có lỗi lầm. Khi người ta nhìn nhận được cái gì đúng hoặc cái gì theo đuổi cả đời mà chưa chắc đã đúng tức là họ đã dám bỏ đi cái tôi – cái tự ngã của mình, để được trở về là mình đích thực… Rũ bỏ chân lý cần phải có thời gian và cũng không dễ dàng như  ta tưởng bởi nó còn liên quan tới rất nhiều mặt của đời sống con người. Tóm lại là cũng phức tạp lắm đấy.

Đạo nào thì cũng chỉ nhằm mục đích là khuyên con người “sống tốt đời, đẹp đạo”. Nếu ai đó có chót phạm sai lầm thì cứ tự mình sám hối và sửa sai là được chấp nhận – chẳng e, sợ gì muộn mằn./.

Tôn giáo nào cũng đeo đuổi một sứ mệnh nặng nề là răn dạy con người hãy sống tốt hơn. Tha thứ là hành động của những người chính nhân quân tử. Hướng tới mục tiêu này thì cả Phật giáo và Thiên chúa giáo đều đã có nhiều nỗ lực nhưng những người thực hành được vẫn không nhiều.
Lang thang trên mạng một hồi thì tình cờ “chôm” được một bài khá hay tại trang http://nguyenthoai.wordpress.com – đã xin phép chủ nhân, mang treo lại để suy ngẫm.

Chuyện “Nghìn lẻ một đêm” của Ba Tư có kể lại một phiên tòa như sau:
Có hai người anh em ruột nọ bắt chói được thủ phạm giết cha mình. Họ lôi kéo tên sát nhân đến trước quan tòa và yêu cầu xử theo luật mắt đền mắt răng đền răng. Kẻ sát nhân đã dùng đá để ném chết cha của họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo như luật đã quy định… Trước mặt quan tòa, tên sát nhân đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Nhưng trước khi bị đem ra xử, hắn chỉ xin một ân huệ, đó là được trở về nhà trong vòng ba ngày để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến một người cháu được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Sau thời hạn đó, hắn sẽ trở lại để chịu xử tử… Quan tòa xem chừng như không tin ở lời cam kết của tên tử tội. Giữa lúc quan tòa đang do dự, thì trong đám đông những người tham dự phiên tòa, có một người giơ tay cam kết: “Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày, hắn không trở lại, tôi sẽ chết thế thay cho hắn”.
Tên tử tội được tự do trong ba ngày để giải quyết việc gia đình. Sau đúng kỳ hạn ba ngày, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn hiên ngang bước ra giữa pháp trường và dõng dạc tuyên bố: “Tôi đã giải quyết mọi việc trong gia đình. Giờ đây, đúng theo lời cam kết, tội xin trở lại đây để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi để người ta sẽ không nói: Chữ tín không còn trên mặt đất này nữa”.
Sau lời phát biểu dõng dạc của kẻ tử tội, người đàn ông đã đứng ra bảo lãnh cho hắn cũng ra giữa đám đông và tuyên bố: “Phần tôi, sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này, là vì tôi không muốn để cho người ta nói: Lòng quảng đại không còn trên mặt đất này nữa”.
Sau hai lời tuyên bố trên , đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì là cao quý nhất trong lòng người…
Từ giữa đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra và nói với quan tòa: “Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ không còn nói: Lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa”.
Giữa sa mạc cằn cỗi, một cụm cỏ hay một cánh hoa dại là cả một bầu trời hy vọng cho những người lạc lõng. Giữa sa mạc nóng cháy, một tiếng suối róc rách là cả một nguồn hy vọng tràn trề cho những ai đang đói khát… Giữa một xã hội khô cằn tình người, giữa một xã hội mà những giá trị tinh thần và đạo đức đã bị bóp nghẹt, chứng từ của người tín hữu Kitô cần thiết hơn bao giờ hết. Giữa biển khơi mù mờ, có biết bao kẻ chới với đang cần một chiếc phao của chữ tín, của lòng thành, của lòng quảng đại, của sự tha thứ…
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói; Niềm tin vào cuộc sống, ý nghĩa của cuốc đời vẫn còn cháy sáng giữa xã hội.
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Con người vẫn có thể yêu thương nhau và sống cho nhau.
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Tôn giáo không là thuốc phiện mê hoặc quần chúng, nhưng là sức mạnh để cải thiện xã hội.
(Nguồn: Lẽ Sống)

Gần đây do có sự tăng bất thường của các dạng “tâm bất thiện” – đặc biệt vụ Nguyễn Đức Nghĩa và Lê Văn Luyện gần như làm “chấn động” giới trẻ nước nhà, lưu truyền khá nhiều câu vè dân gian không hay ho khiến người ta không thể không suy nghĩ về dự báo một sự đổ vỡ thiết chế xã hội mà tác giả Alvin Toffler nghiên cứu trong tác phẩm “Cú sốc tương lai” (Future Shock) từ năm 1968…

Trước hết ,một câu hỏi đặt ra là tại sao trẻ phạm trọng tội gần đây có khuynh hướng rơi vào các gia đình thiếu khả năng tài chính, hoặc  tài chính của gia đình còn giới hạn. Tiền đầu tư của xã hội hôm nay vì sao lại có xu hướng chôn vào những tượng đài kỉ niệm, những bảo tàng – những công trình dành cho người chết, mà không sử dụng để phát triển đời sống dân sinh? Thứ nữa là trong khi nhà nước chưa tìm ra giải pháp nào hiệu quả để nâng mức sống cho người nông dân thì có nhiều những dự án thương mại lãng phí đất nông nghiệp đã không bị thu hồi tích cực trả lại cho người dân sản xuất…

Mấy năm gần đây thu nhập của người nông dân bị suy giảm nghiêm trọng bởi lạm phát. Đời sống của người dân lao động ảm đảm tới mức chán ngán – gây hiện tượng “stret” dây truyền xã hội, tác động không nhỏ tới đời sống gia đình các hộ nông dân. Tâm lý này ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực đối với giới trẻ nhất là ở lứa tuổi mới vào đời như Lê Văn Luyện. Nếu ai từng đọc lá thư gởi lại cho gia đình lần cuối trước khi bỏ trốn của Luyện sẽ thấy dù là kẻ tội đồ họ cũng có những khoảnh khắc sống chân thực . Tôi ngờ rằng lá thư không chỉ làm cho cha mẹ tội đồ đau tới mức trốn chạy, mà còn làm xã hội phải đau về cái bản chất “ưu việt” mới dừng ở nơi cửa miệng. Hãy hình dung bạn là cha mẹ của tội đồ đi, bạn sẽ thấy đau đớn chừng nào khi nghĩ về khẩu hiệu dành mọi điều tốt đẹp cho trẻ em? Có người bảo để xảy ra một cảnh đời như “đời thằng Luyện” – giết người khi tuổi chưa tròn 18, phải chăng là có phần trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Tu theo Phật là phải “tự giác” và “tha giác”. Tự giác là nhìn lại mình để tự sửa. Tha giác là  không được phép nhắm mắt trước những bất công xảy ra trong xã hội. Nói hộ suy nghĩ của những người đau khổ là nhiệm vụ không thể chối từ của người con Phật. Mình không là họ hàng hay thân thuộc gì với kẻ tội đồ, song thực lòng vì thấy xót xa thương cảm cho thân phận người dân đen mà muốn bênh vực họ thôi. Trẻ em nghèo trên đất nước mình quá nhiều, không lẽ cứ để chúng bị xã hội vô tình? Ngày cách mạng chưa thành công chúng ta kêu gọi “vô sản đoàn kết lại”. Nay, chính quyền vững chắc rồi không lẽ bỏ mặc con em người nông dân rơi vào con đường “vô sản lưu manh” chăng?

Đạo Phật sử dụng thuyết nhân quả nghiệp báo để giải thích những hiện tượng đau khổ xảy ra trong đời sống. Ngồi xe bus nghe người ta bàn rằng vì cha mẹ Luyện mổ  lơn nên “oan oan tương báo”. Riêng tôi lại thấy thương người phụ nữ này và người thân của họ quá chừng. Sống ở một thị trấn nghèo vốn liếng èo uột, chữ nghĩa thì ít ngoài nghề mổ lợn để nuôi 3,4 đứa con ăn học thì còn biết làm gì để sống nữa đây? Nếu các quan chức chính quyền ai cũng lo hoàn thành tốt cái trách nhiệm dạy dân cách kiếm tiền bền vững thì nghề giết mổ lợn phải được làm tập trung trong những dây chuyền hiện đại tương tự các quốc gia tiên tiến chứ đâu có để trẻ con tuổi như Luyện tiếp xúc cảnh giết mổ máu me tanh hôi vậy.

Vả lại dân quê mình từ lâu vẫn xem việc giết mổ lợn là nghề kiếm tiền lương thiện. Cũng phải thôi người ta chăn nuôi ra thì ai cũng phải tìm cách tiêu thụ sản phẩm của mình. Sinh nghề, tử nghiệp biết tránh đâu cho thoát dưới cái gầm trời ở cõi ta bà này đây. Học đạo cũng không bỏ qua được cửa ải của cái dạ dày con trẻ gào thét. Mà CNXH là vô thần. Sinh sinh, diệt diệt thì chỉ người có đạo mới đốn ngộ thôi. Trước đây thanh niên thế hệ mình rất hiếm khi tới lễ chùa vì thời đó ai cũng vô tư sôi nổi và khí thế cách mạng “hừng hực” lạ lùng lắm. Rất nhiều anh chẳng sợ tội gì sất cứ thẳng tay phá bỏ chùa triền. Dân tình sợ dúm dó nhưng chẳng dám ho he. Cũng có thể thời đó lý tưởng được xác định rõ hơn so với hôm nay chăng nên lòng người hết sợ cả thần và Phật? Cũng mấy ai ngờ là tới hồi áp kết các giá trị “lộn tùng phèo”  thì niềm tin tôn giáo mới được coi trọng.

Tôi tuyệt đối tin rằng yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội nếu XH XHCN là đích thực dù cũng còn hơi phân vân bởi XH XHCN ở Liên Xô Đông Âu có lịch sử 74 năm cầm quyền mà bỗng dưng tự tan rã mới lạ. Thời điểm tan rã họ có 20 triệu đảng viên, 4.228 tòa nhà làm việc, 180 trung tâm chính trị xã hội, 16 cơ sở nghiên cứu. Đó là bài học không bao giờ cũ với những người biết lo khi nền chính trị toàn cầu khủng hoảng như hiện nay.

Trước áp lực của nền kinh tế mở hiện nay phải tìm cách lấy lại sự cân bằng tinh thần cho giới trẻ. Trách nhiệm này ngoài nhà nước thì còn tùy thuộc vào vai trò của hội, đoàn và các tổ chức tôn giáo. Phải dũng cảm mà thừa nhận rằng từ rất lâu rồi  ta đã lờ đi vai trò giáo dục đạo đức khá hiệu quả của tôn giáo. Đem giáo lý của đạo Phật về mặt bình đẳng giữa con người với con người trong cuộc sống nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng là một sự phối kết hợp có tác dụng thúc đẩy nhanh hơn vai trò của giáo dục của đạo đức trong xã hội chúng ta.

Phật dạy cần phải từ bi, hỉ, xả. Người nào mà nhìn đâu cũng thấy kẻ thù – thấy người xấu, cái ác, là mắc chứng hoang tưởng. Còn lãnh đạo chính quyền mà săm soi kĩ quá các hoạt động bình thường của người dân chỉ vì sợ bóng sợ vía cụm từ “diễn biến hòa bình” thì cũng nên đi bác sĩ mà thăm khám vì tư duy đó thật bệnh hoạn, làm tổn thương người dân. Trên thế giới không thiếu gì các lãnh tụ tầm cỡ bị mắc hội chứng hoang tưởng. Đã có bao nhiêu người con ưu tú của nhiều triều đại lịch sử bị chết oan khuất vì lưỡi đao oan nghiệt này do những tâm hồn bệnh hoạn đó gây ra. Liệu những bài học lịch sử đau xót đó có lặp lại ở thế kỷ 21 nàykhông là hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta.

Hãy tin rằng lòng tốt luôn đầy ắp ở trái tim con người – nhất là người có đạo. Vì sao vậy? Vì người có đạo được học pháp và tự nguyện thực hành theo đạo pháp hàng ngày, hàng giờ. Pháp sư Tịnh Không cho rằng mục tiêu của giáo dục là thành thánh thiện. Nếu hồi phục giaó dục thánh thiện thì động loạn xã hội sẽ tự dứt. Ngài còn chỉ rằng: Người xưa có nói “chí ở Đạo, nương ở Đức, dựa vào Nhân, chơi ở Nghề”, tài năng phải được xây trên nền tảng “Nhân Nghĩa Đạo Đức” thì mới vững. Một đức bé nếu được dưỡng dục tố chất tốt đẹp ngay từ nhỏ – tập cho nó có thói quen có lối sống tốt đẹp, cả đời không dễ gì đổi thay thành người xấu. Tố chất của một người nếu là tánh thiện thì nó sẽ được đem theo trong đời người. Nên căn bản của giáo dục tố chất là đem cái tâm vốn thiện của đứa bé giữ gìn cho nó có cơ hội nảy nở suốt một đời người. Vốn thiện này nếu lại được mở rộng đến vô hạn thì xã hội sẽ tràn đầy tâm thiện. Người có tâm thiện thì khả năng yêu thương – chia sẻ,  người khác  dễ hơn. Và bởi thế mà trong mọi hành vi của họ – ở mọi vị trí, sẽ có trách nhiệm hơn đặc biệt là với  xã hội và quốc gia của mình.

Trở lại hai vụ trọng án mà những người phạm trọng tội đều mới mắc tội lần đầu. Luyện thì giết tới 3 người trong khi chưa đủ 18 tuổi. Nghĩa thì chặt bạn gái trong khi đang là sinh viên của một trường đại học danh tiếng mà rất nhiều bạn trẻ khác nằm mơ cũng khó đạt được thành tích học tập này. Xót xa quá chừng nếu xã hội loại bỏ đi khỏi cuộc sống một thanh niên như vậy phải không. Càng nghĩ tôi thực sự càng thấy đã có điều gì chưa ổn ở đây.

Phải chăng người lớn đã không chịu chấp nhận những ham muốn chính đáng có ở nơi con trẻ hay vì đã có một bộ phận xã hội biến chất thoái hoa không xứng đáng là những tấm gương cho lớp trẻ soi vào. Đừng vội gán cho chúng là những “kẻ máu lạnh” vì nền giáo dục của quý vị nuôi dưỡng chúng lớn lên được xem là tốt đẹp cơ mà. Cần thông cảm với nỗi lòng của những người bố, người mẹ và thân nhân gia đình của các kẻ tội đồ vì chính họ đang phải gánh chịu nghiệp chướng nghiệt ngã của dân tộc đấy.

Một thời gian dài ta đâu có cách gì để giúp chúng đem tập khí bất lương của đức bé trừ bỏ đi? Chúng ta thực sự chưa làm gì để giảm được trọng án trong giới trẻ – ít nhất là trong thời gian 2 năm gần đây, trong khi mà một sự giáo dục đạo đức có hiệu quả ở nơi tôn giáo thì chưa được khích lệ đúng mức. Có thể là tôi hay bạn và tất cả chúng ta đã, đang vô cảm lắm chăng khi phán xét tội đồ trong lúc mà trách nhiệm quan tâm còn thiếu.

Xưa, thời tôi đi học có nhiều cuốn sách của chúng ta đã khẳng định tệ nạn xã hội tràn lan là sản phẩn của chế độ – của các nền giáo dục thối nát… Nay, nếu các vấn đề xã hội nghiên trọng cứ xảy ra liên tiếp – bằng những vụ việc quá đau lòng, thì rõ là không còn đổ thừa vào đâu được. Trộm nghĩ vì sao giáo dục tố chất – giáo dục tính thiện cho trẻ em, tại một số nước quanh ta như Thái Lan, Malayxia… lại khá thành công. Ở Việt Nam trước giải phóng 1975, đa số nhận xét trẻ em phía Nam hiền và lễ phép hơn so với trẻ phía Bắc. Tại sao vậy? Vì ngày đó phong trào đấu tranh cho quyền được hội họp của các tôn giáo với chế độ cũ diễn ra công khai, mạnh mẽ. Một phương pháp giáo dục đúng là một phương pháp tận dụng mọi nguồn lực xã hội  vốn có để đầu tư cho nghiên cứu giáo dục.

Một giáo sư triết học tên tuổi có tâm sự với tôi rằng ông băn khoăn không hiểu tại sao chúng ta không tăng cường giáo dục tính thiện thông qua các tôn giáo như nhiều quốc gia đã làm bởi họ đã làm rất hiệu quả. Tôi cũng hy vọng vấn đề này được trao đổi và quan tâm nhiều hơn để giảm thiểu được tội ác ở lứa tuổi “mới vào đời”./.

Trong triết lý Phật giáo, chữ “ngã” chỉ định một con người độc lập. Cái tôi – hay thường gọi là ngã, là “cái tôi” được thiết thuyết với một thể tính trường tồn, không bị ảnh hưởng của tụ tán, sinh tử. Tôi đọc được ở đâu đó và thật lòng tin tưởng rằng mỗi chúng ta khi mới sinh ra tâm thức còn rất gần với sự minh triết. Trong quá trình trưởng thành thì mối liên hệ giửa ta với tâm thức dần dần mờ nhạt và thay thế vào đó là sự bảo vệ một cách an toàn của bố mẹ hoặc bà con họ hàng. Họ dạy bảo cho ta biết về cái thiện, cái ác, cái tốt, cái xấu, về cách phải quyết định, hành động và phản ứng như thế nào cho mỗi hoàn cảnh cụ thể. Như vậy là chính người thân yêu của ta đã giúp ta hình thành một bản ngã giả tạo – làm vừa lòng người khác , để thiên hạ chấp nhận và đem lại an toàn cho ta.

Với bản ngã giả tạo, ta cố gắng dựng nên mối quan hệ với người khác bởi vì đó là việc “phải” làm. Thực ra, nó làm nảy sinh trong ta cái cảm tưởng lừa bịp, bởi vì chúng ta cố gắng biểu hiện một lòng tốt thường trực trong khi nó thực sự chỉ  có ở  từng lúc lẻ tẻ. Đối với bản ngã giả tạo, khổ đau và giận dữ không phải là thành phần của chân ngã .

Bản ngã giả tạo hình thành nhằm để bảo vệ con người ta bằng vứt bỏ trách nhiệm. Ta không có trách nhiệm gì vì mọi nhân tố tiêu cực đã bị  ta xem là lỗi của người khác. Ta chê trách hết thảy mọi người đồng thời trút lên họ sự  giận dữ  và những nỗi đau của mình. Cách duy nhất để duy trì sự giả dối này là ta không ngừng “tự giới thiệu mình là người tốt”  và khó chấp nhận cách sống của người có mục đích sống khác ta.

Thí dụ: Đọc chuyện “Bước chân vào chốn lao tù” của tác giả Phương Bích, tôi thấy tác giả miêu tả chân thật cuộc sống ở cái đời mạt pháp này. Đau xót lắm cho nhân tình thế thái ở cái chỗ là cho dù chúng ta có muốn làm người tốt cũng không dễ dàng gì. Gần đây, một số blogger than rằng họ bị chăm sóc – “định hướng” tư tưởng, quá kỹ. Sử dụng biện pháp hành chính để buộc người khác nghĩ theo cách nghĩ của mình là không thể. Nếu đã có khẩu hiệu “sống và làm việc theo pháp luật” thì khi phân định đúng, sai phải dùng luật pháp. Theo dõi mấy vụ bắt người biểu tình ở Hà Nội vừa qua ta thấy việc hành pháp sao mà lại “nỡm nờ” – “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, làm hiệu lực của bộ máy nhà nước mất thiêng.

Trong số các trường phái triết học Phật giáo, có vài trường phái, sau khi phân tích rốt ráo đã xác nhận chính tri thức là cái tôi. Tôi vận dụng tri thức để nhận được nhiều hơn về mình. Tôi thèm khát hạnh phúc ích kỷ… Con đường lầm lạc hiện ra cùng khắp mà chỉ những người năng tích đức – tu thân, mới phân biệt được đâu là bản ngã giả tạo và đâu là bản ngã chân thật để sớm cởi bỏ cái ngã giả đi.

Thế giới con người vẫn còn rải rác những hố sâu nên xin chúc tất thảy chúng sinh đều giác ngộ để an lành. A Di Đà Phật./.

Không phải bây giờ tôi mới học thiền. Tôi học thiền khá lâu nhưng học theo kiểu chắp vá nghe ai bảo sao thì làm vậy – không có căn bản. Việc hành thiền của tôi như người leo cột mỡ – không mấy kết quả. Gần đây, tình cờ được đọc cuốn “Tu tuệ” của đức ĐẠT LẠI LẠT MA tôi thấy có đoạn viết giống cảm nhận của mình như sau: …có những cách thiền định đôi khi đưa đến thất vọng, bởi vì ta đặt tham vọng quá lớn vào những thứ này. Sau nhiều năm ta có thể thốt lên:  “Mặc dù tôi đã tu tập, tôi đã tụng kinh sách, nhưng tôi chẳng thấy một tiến bộ nào; tôi chẳng cảm nhận được một kinh nghiệm thần bí nào cả…”

Trong cuốn sách đức ĐẠT LẠI LẠT MA đã khẳng định rằng tu tập Bồ đề tâm không đưa đến những thất vọng đại loại như kiểu đó. Việc tu tập đòi hỏi người thực hành kiên trì và tập đúng phương pháp thí dụ khi thiền ta cần suy tư về hiện trạng vô minh trói buộc ta trong chu kỳ khổ đau. Hãy nghĩ về lòng từ bi như một cách giúp ta có thể loại trừ được những xu hướng tinh tế áp đặt từ trước đưa đẩy ta phạm vào những hành vi tiêu cực. Nghĩ về hiện tượng vô thường tinh tế và sự thay đổi liên tục đang diễn ra ngay trong tâm thức của ta. Những gì phải làm là tìm cách ngăn chặn được ý thức. Không để cho tâm thức quay ngược về quá khứ, hoặc phóng nhìn vào tương lai. Hãy tập trung mạnh vào giây phút hiện tại và cấm tâm thức không được chạy theo hay đuổi bắt những vật thể hay hiện tượng bên ngoài. Không cụ thể hóa các vật thể ấy. Giữ vững trong thể dạng tâm thức tự nhiên và hòa mình với hiện tại. Theo đó, chắc chắn sẽ cảm nhận được thể dạng trong sáng của thân tâm. Cứ như vậy, gắng giữ tâm thức trong thể dạng hiện tại, trống rỗng vài phút. Chỉ chú tâm vào giây phút hiện tại và đơn giản giữ ta trong tư thế phi khái niệm đó ít phút.

Đức ĐẠT LẠI LẠT MA còn nói, khi bước vào tu tập, Bồ đề tâm sẽ trở thành vô tận. Việc tu tập Bồ đề tâm đòi hỏi một thời gian lâu dài. Chỉ cần đạt được một chút kinh nghiệm nhỏ thì hãy bộc lộ sự quyết tâm bằng lời cầu nguyện dưới sự chứng kiến của một vị đạo sư hay trước một vị đại diện cho Phật. Điều này sẽ làm tăng khả năng sinh khởi Bồ đề tâm ở ta.

Phát nguyện cần một nghi lễ. Trong nghi lễ này ta phát nguyện cầu xin đạt được giác ngộ vì sự an vui của tất cả chúng sinh. Phần đầu của nghi lễ là sự cam kết không từ bỏ – không làm suy thoái lòng nhiệt tâm. Phần thứ hai của nghi lễ dành cho những phát nguyện do chính bản thân mình tự đặt ra. Người phát nguyện trước đó phải thực hiện xong phần thứ nhất của nghi lễ. Xin lưu ý rằng một khi đã phát nguyện thì phải xem những lời phát nguyện đó quý giá như sinh mạng mình.

Từ sau giây phút đó trở đi phải noi theo một số giới luật và chọn một cuộc sống phù hợp với sự tu tập. Nêu cảm thấy không đủ sức noi theo giới luật thì không nên phát nguyện. Điều này không ngăn cản ta cầu xin hạnh phúc sẽ đến với tất cả sinh linh có giác cảm và sống vì sự an vui của kẻ khác. Nếu không phát nguyện thì chỉ đơn giản khơi động được lòng ước vọng về Bồ đề tâm thôi.

Gấp cuốn sách lại, tôi hiểu quá trình tu tập theo kiểu vậy vẫn là tùy thuộc vào cơ duyên. Tôi chưa bao giờ thấy tâm thức ở nơi mình dừng khấy động. Mình như cái cây muốn ngay, mà gió chẳng đặng đừng. Cái nghiệp sâu dầy này của mình nếu có gỡ được chắc còn phải cần nhiều thời gian lắm.

A Di Đà Phật, nguyện cho mọi người tinh tấn, an lành và sớm được thành tựu trên bước đường học Phật./.

Robert B. Zoellick – Ch tch Nhóm Ngân hàng thế gii, Vin Kinh tế quc tế Peterson cho rằng có khi, một sự việc cho chúng ta nhiều bài học hơn là chỉ những hậu quả trực tiếp của nó.

Ông cho biết cuối tháng 12/2010 vừa qua, trong việc tịch thu cái cân từ quầy bán trái cây của Mohamed Bouazizi, anh đã bị cảnh sát tát ở nơi công cộng. Những nỗ lực kiện cáo của anh bị gạt bỏ đã khiến anh đau đớn – thất vọng, đến mức phải tự thiêu trước công chúng. Ngay lập tức, sự kiện này đã châm ngòi nổ một trận bão lửa ngập tràn Tunisia và rộng hơn là cả Trung Đông.

Thông qua Facebook, Tweets và các trang web truyền thông xã hội khác, cái chết của Bouazizi đã làm sụp đổ một chế độ dù các phương tiện truyền thông của chế độ đó rêu rao trong một thời gian rằng đó chỉ là một “sự việc”. Điều không ngờ rằng, Tunisia có hàng chục nghìn người như Bouazizis. Trên thực tế, số phận như của ạnh có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới này, nơi vẫn còn những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em, mà cơ hội và hy vọng của họ bị chối bỏ vì nghèo đói, sự phân biệt của xã hội, mất quyền công dân và sự tùy ý của pháp luật.

Nhưng những bài học của Tunisia và Trung Đông đi xa hơn một khu vực, một quốc gia, hoặc một cái chợ nhỏ. Có nhiều điều có thể rút ra từ cái chết của một người bán hoa quả chứ không chỉ là là một sự biến động chính trị lay chuyển khu vực. Cả khu vực, cả thế giới, các chính phủ, các thể chế phát triển và các nền kinh tế có thể học nhiều bài học từ sự kiện đó.

Ông Robert B. Zoellick cũng đã cho biết gần đây Ngân hàng Thế giới có tổ chức một cuộc họp lắng nghe tiếng nói của thế giới Ả Rập – từ nhóm thanh niên, phụ nữ và các tác nhân muốn có sự thay đổi. Họ muốn gì?

Họ muốn có cơ hội, công lý và công ăn việc làm.

Họ muốn các quy định và pháp luật công bằng, có thể dự đoán được, và minh bạch.

Họ muốn thực phẩm và chỗ ở cho gia đình, trường học tốt cho con cái họ, và khu phố sinh sống an toàn.

Họ muốn lực lượng cảnh sát thực sự là những người bảo vệ chứ không phải là những kẻ dọa nạt; họ muốn Chính phủ có thể tin cậy được.

Họ muốn có tiếng nói và trách nhiệm giải trình. Và họ muốn có điều đó ngay tại các khu làng, thị trấn và các khu dân cư.

Họ muốn có tiếng nói phản ánh các dịch vụ công đã quá méo mó nên vừa không phục vụ công cộng vừa không cung cấp dịch vụ thực sự.

Họ muốn thông tin và quyền được biết và tham gia.

Họ muốn có một hợp đồng xã hội mới

Họ muốn có phẩm giá.

Họ muốn được tôn trọng.

Và nếu họ là phụ nữ, họ muốn những điều tương tự.

Có một số vị sẽ nói: Vâng, đó có thể là những điều họ muốn nhưng đó là chính trị, không phải kinh tế.

Tôi ở đây để nói rằng: Một vài điều trong những gì đã nói có thể là những gì chúng ta cho là chính trị, nhưng hầu hết những thứ đó chúng ta cũng biết là hữu ích cho kinh tế; hầu hết những thứ đó chúng ta cũng biết là hữu ích cho việc chống tham nhũng, hầu hết những thứ đó chúng ta cũng biết là hữu ích cho phát triển toàn diện và bền vững…

Theo http://web.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/NEWS/0,,contentMDK:22896328~pagePK:34370~piPK:42770~print:Y~theSitePK:4607,00.html


Nhiều gia đình thường treo chữ “nhẫn” trong nhà, như tự răn mình như là cách để giữ được hòa khí trong gia đình – mong gia đình luôn  ấm êm. Ai cũng biết giữ được chữ nhẫn là tránh được cho mình một sự phản ứng ngay tức khắc – dễ phạm sai lầm, trước các vấn đề bức xúc khó nghĩ. Nhẫn nhịn chính là cái cột chống đỡ cho tinh thần trong một khoảnh khắc tạm thời nhằm giúp con người thoát ra khỏi trạng thái của sân hận. Người nào biết đến chữ nhẫn thì thắng không kiêu, bại không nản, có thể tiến, có thể lui theo ý mình muốn.

Sáng Chủ nhật ngày 28/08/ 2011, Hồ Gươm – Hà Nội, không có biểu tình như 11 chủ nhật trước. Mong mỏi, lo lắng rồi nhẹ lòng vì biết “dân tình” đã nhẫn. Nhẫn không có nghĩa là từ bỏ mục đích của mình. Trong đời sống đã có nhiều thành tựu rất vĩ đại mà con người vươn tới được nâng trên đôi cánh nhờ cái sự nhẫn. Những người giữ được sự nhẫn thật sự thì sức mạnh cá nhân và dũng khí tăng gấp trăm ngàn lần. Tại sao vậy? Bởi vì, trước khi quyết định phải đối mặt với những điều khiến họ bị tổn thương thì nhẫn là vàng.

Dân gian có “bài thơ chữ Nhẫn” rất sâu sắc – nghe đâu của đại tướng Võ Nguyên Giáp, xin phép chủ nhân bài thơ được post để cùng đọc.

Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để chớ tàn hại nhau.

Nam mô A-DI-ĐÀ Phật./.

Với tư cách là một người theo đạo Phật, ta phải gạt bỏ những điều khẳng định đi ngược lại lý trí hay kinh nghiệm vững chắc. Thí dụ trong bài “Không thể ngăn cản bước tiến của cả dân tộc” tác giả Nguyễn Việt cho rằng: “Sự quấy phá (của người biểu tình) chỉ có thể lôi kéo được một số nhỏ người ngây thơ hoặc chưa đánh giá đúng tác hại đối với cá nhân và dân tộc”. Vậy, để phân biệt được đúng sai chúng ta cần có đầy đủ thông tin. Tiếp nhận thông tin thường xảy ra 3 loại hiện tượng: minh bạch, mập mờ và cực kỳ tối tăm. Nhận thức những hiện tượng minh bạch thì không cần đến suy luận. Nhận thức những hiện tượng mập mờ có thể đạt được bằng suy diễn. Còn nhận thức những hiện tượng cực kỳ tối tăm thì chỉ có thể dựa vào niềm tin từ uy tín mà nhân chứng cung cấp. Cụ thể việc khảo sát niềm tin của dân vào chính quyền có thể làm được thông qua việc tổng hợp các tin tức được công khai hàng ngày trên báo chí. Các vụ tham nhũng thất thoát hàng ngàn tỉ đồng từ tất cả các lĩnh vực của đời sống cho thấy đã từ lâu người dân mất hẳn niềm tin ở những người cầm lái.

Trong mê hồn trận  thông tin về các hành vi của người biểu tình vào những ngày Chủ nhật tại Hà Nội gần đây tác giả Vũ Duy Thông – trong tờ báo kinh tế đô thị ngày 26/08, đưa nhận xét “những người biểu tình đã có hành vi vi phạm pháp luật”… Với cách giải thích này thì chúng ta có nên tin hay không? Theo kinh nghiệm của những người giàu có và thành công nhất trên thế giới thì niềm tin cũng ví như tài sản vô giá của các bạn và vì vậy không bao giờ nên sài hết tiền vào một nơi. Phải đặt ra những câu hỏi rằng người này nói vậy là đang muốn gì? Bình tĩnh đối chứng, kiểm nghiệm bạn sẽ rõ sự thật. Phật luôn luôn khuyên chúng ta rằng đừng bao giờ để bị mù quáng vào một đức tin duy nhất – bao gồm cả pháp Phật, vì nếu bị lôi cuốn vào đó ta có thể gặp nguy cơ đánh mất khả năng suy luận.

Phật chẳng đã dạy rằng đối tượng của đức tin và lòng mộ đạo phải được khám phá bằng những kinh nghiệm cá nhân có nghĩa là bằng khả năng suy luận. Nếu phương pháp khảo sát đưa đến sự tin tưởng sâu xa, đức tin của ta sẽ nảy nở. Chẳng hạn khi những đảng viên cộng sản đa số là những người làm việc thực sự vì dân thì chắc chắn niềm tin vào con đường đi lên CNXH sẽ được thiết lập ngay tại trong lòng mỗi người dân. Chỉ cần thực thi lời giáo huấn của đức Phật dạy rằng trong mọi thứ tư tưởng nếu thấy ích lợi thì hãy tin, ngược lại thì đặt dấu hỏi với bất cứ vấn đề nào mà ta thấy nghi ngờ có sự sai khác.

Với tư cách một con người thì ai cũng đều có cảm giác và tri giác. Bản năng sinh tồn khiến ai cũng mong được hạnh phúc và loại bỏ khổ đau. Mỗi người dù sử dụng cách sống này, hay cách sống khác, dù đạt được thành công hay chỉ gặt hái thất bại, đều hướng về chủ đích là thỏa mãn được ước nguyện ấy. Hãy thử suy nghĩ từ kinh nghiệm của mỗi chúng ta về đau đớn cũng như hạnh phúc tột bậc sẽ thấy đa phần đều có mối liên quan tới hành vi, tư tưởng và cảm xúc của chính ta.

Là một người có đạo ta không thể tự dối mình và dối người khác để mà viết ra những điều khó nghe – dối trá. Hiện nay, số đông những người nghèo đang sống trong tình trạng hết sức bấp bênh. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể rơi vào tình huống thất vọng thảm thương. Ảo mộng về một xã hội tươi đẹp đang xa dần và có nguy cơ vỡ tan ở nơi họ. Đừng có ảo tưởng để nói những gì cao xa mà hãy gắng sức cùng nhau làm sao ổn đinh được giá cả để dân đỡ khổ.

Trên phương diện tinh thần cũng vậy, cần nhận thức chính xác bản thể của thực tại. Tại sao anh nói anh tốt mà báo chí ngày nào cũng đầy rẫy những cảnh tượng đau lòng. Niềm tin có khủng hoảng thì xã hội mới rối ren. Chỉ cần suy luận như vậy thì người có trách nhiệm mới xóa đi được những sai lầm căn bản – vô minh, đã đeo bám như một thứ nghiệp vậy. Trình độ dân trí của thế hệ người Việt Nam mới rất khác thế hệ cha anh của họ. Bạo lực hay chuyên chính vô sản sử dụng vào thời điểm này là sai sách. Với tư cách là những cá nhân con người đương nhiên họ có quyền thực hiện ước vọng được hạnh phúc. Hãy nhìn nhận lại sự công bằng cơ bản này vì đây là điều hết sức hệ trọng.

Thương người nhiều hơn và quan tâm đến sự an vui của kẻ khác nhiều hơn, thực ra là một thái độ rất lành mạnh dù là chỉ nhắm vào mục đích đem đến lợi ích cho riêng ta. Khi biết hành động như thế, ta sẽ nhận thấy những thay đổi quan trọng trong bản thân ta, đem đến cho ta một cảm giác an bình. Ta sẽ không còn hành động một cách ngược ngạo. Hãy biết thận trong hơn vì nó giống như cả sinh mạng của ta cũng liên hệ vào đấy và kể cả danh thơm, nhân phẩm và kiếp sống của ta cũng bị hăm dọa bởi  những việc làm đấy.

Trong lần giảng pháp (tại Pháp) đức Đạt lai lạt ma có nói: “Đừng buộc tâm thức vào sự nô lệ của ích kỷ – ngắn hạn hay trong lâu dài, sẽ lưu lại trong ta cảm tính bất toại nguyện, thiếu thốn và bất hạnh. Ta phung phí cơ duyên tuyệt vời mà ta đang có – tức cơ duyên được làm thân con người, được thừa hưởng những khả năng tuyệt mỹ, chẳng hạn như trí thông minh giúp ta trong những mục tiêu cao cả nhất. Vì vậy, thật hết sức quan trọng phải biết ý thức về hậu quả do những hành vi của ta gây ra trong nhất thời và trong lâu dài”.

Mong sao những người có trách nhiệm hiểu được điều này để đất nước hòa bình – có được hòa bình ấm no thật sự, khiến mọi con người đều được hạnh phúc. Nam mô ADiĐà Phật.

Dưới đây là bài nguyện của chính ngài Đạt lai lạt ma:

Tôi xin mãi mãi được

Quy y Phật, Pháp, Tăng

Cho đến khi nào đạt được giác ngộ vẹn toàn.

Thúc đẩy bởi trí tuệ và lòng từ bi,

Hôm nay đây trước mặt Phật,

Tôi xin được phát khởi tâm thức giác ngộ,

Vì sự an vui của tất cả chúng sinh.

Khi nào không gian còn tiếp tục,

Khi nào chúng sinh còn hiện hữu,

Tôi van xin vẫn còn đây

Để làm tan biến tất cả khổ đau của thế gian này./.

Hình như khi lòng ta từ bi, ta trở thành can đảm hơn và quyết tâm hơn. Ví dụ trước khi dấn thân vào các cuộc biểu tình ôn hòa hầu hết mọi người – hoặc người thân yêu của họ, đều không quên việc lễ Phật – niệm Phật. Tại sao vậy? Bởi khi tim ta tràn ngập lòng từ bi thì lo buồn hay những xung đột nội tâm bị đẩy lui. Xu hướng nghĩ tới sự an vui của số đông sẽ giúp quên đi sự sợ hãi – điều này đã được minh chứng qua 11 cuộc “tụ tập” – tuần hành, chống thế lực bành trướng phương Bắc. Kết quả là đã và đang cải thiện được sự nhìn nhận của một bộ phận dân chúng về cách thức để cởi bỏ mọi bám vứu khổ đau – còn gọi là nghiệp vậy.

Rõ ràng là ta hoàn toàn có thể biến cải được cả cường độ của những đau khổ và những khó khăn mà ta đang vướng phải thông qua niềm tin tôn giáo. Những gì dù tỏ ra không thể nào chịu đựng nổi nhưng nếu có niềm tin chúng ta vẫn có thể dễ dàng bỏ qua hoặc cho nó là kém trầm trọng thậm chí coi việc bị bỏ ngục cũng là không đáng kể. Vì thế, khi một người nào đó có lòng vị tha và từ bi, họ sẽ cảm thấy những xung đột nội tâm và những vấn đề khó khăn của họ nhẹ nhàng hơn – chịu đựng được nhiều hơn và lâu dài hơn.

Khi lòng ta từ bi thì những lợi ích sâu xa hướng về số đông hơn là so đo tính toán cho riêng mình. Nếu tư tưởng từ bi và lòng tốt thấm nhuần trong dòng tâm thức của chúng ta thì những thách thức thông thường sẽ không còn vật ngã được ta bởi sự thăng bằng đã được xác lập trên nền móng vững chắc của lẽ phải.

Biết chia sẻ khổ đau với người khác thì lòng từ bi trong ta phát sinh một cách đầy đủ hơn. Sự an bình của tâm thức đôi lúc cũng có thể bị xáo động. Không ít lần trong mỗi chúng ta đều đã tự hỏi rằng phải chăng thực thi lòng từ bi sẽ đưa ta tới chỗ phải mang vào thân thêm nhiều đau khổ hơn nữa? Đối diện với thứ tình cảm đó ta cần làm chủ mình bằng cách hãy đừng đứng ngoài để ngắm nhìn người khác đau khổ vì nếu điều đó xảy ra với chính ta thì người chia sẻ sẽ là ai đây? Chỉ cần quán tưởng điều ấy thật mãnh liệt thì tự nhiên lòng từ bi trong ta – sự chia sẻ nỗi đau, xuất hiện. Thói quen quán tưởng như vậy – cộng với sự tu tập thường xuyên, lâu dài hình thành nên tình thương yêu đồng loại mà các trở ngại trong cuộc sống cũng rất khó lay động nổi.

Tất nhiên, quan tâm riêng đến ta hiển nhiên là điều rất quan trọng. Nhưng, muốn thực hiện điều đó thì ta cần đặt nó trong một tổng thể của các mối quan hệ xã hội. Ta không thể có hạnh phúc nếu những người  khổ đau vẫn tràn lan quanh ta – có rất nhiều người cần ta giúp, đặc biệt là khi lạm phát tăng chóng mặt và tiền VNĐ xuống giá liên tục thế này.

Sống vì người khác – cho người khác, không phải dễ. Thử hỏi mấy ai đã dũng cảm dám vượt qua nỗi đe dọa và sự sợ hãi bị bắt bớ để xuống đường ngày Chủ nhật 21/8 như Minh Hằng, Phương Bích? Dù họ đang còn là thiểu số, nhưng đa số chưa hẳn đã đại diện cho cái đúng. Nhiều người nhận ra cái đúng nhưng vì rất nhiều lí do mà chưa dám hành động. Chưa hành động rõ ràng là vô minh – một thể dạng méo mó của tâm thức.

Vô minh không phải là không hiểu biết mà là những hiểu biết sai lạc. Đối với người phật tử trung kiên, quá trình tu tập là cần hành động theo con đường Phật đã dạy. Không thể phụ họa theo những kẻ “dối trá, lừa gạt” hoặc phát ra những ngôn từ làm tổn thương người khác ví dụ cách đưa tin thiếu chính xác trên truyền hình vừa qua.

Đất nước chỉ thật sự bình yên khi mỗi cá nhân con người và mỗi gia đình có được cuộc sống yên ổn. Đồng bào miền biển vốn dĩ đã sống cuộc sống rất cơ cực. Hiện nay, mỗi ngày cho thuyền xa khơi người dân lại phải đối diện với nõi lo sợ bắt bớ – cướp tàu đòi tiền chuộc, của người phương Bắc. Bao nhiêu công sức mới có ít cá thì lại bị cướp không thì hỏi rằng đồng bào lấy gì để sinh tồn? Mong Đảng, Chính phủ thấu hiểu được nỗi niềm này để tổ chức cho dân biểu tình hợp hiến pháp – đánh động cho toàn thế giới biết, ủng hộ dân nghèo vùng biển Trường Sa chặn tay bọn kẻ cướp./.

Từ bi có thể hiểu môm na là lòng thương và sự rộng lượng. Từ bi giúp ta làm suy giảm sức mạnh của những thể dạng tâm thần bấn loạn và tiêu cực chẳng hạn như giận dữ, hận thù, ganh ghét và bám vứu. Phương thuốc hóa giải hữu hiệu chống lại những tư tưởng bấn loạn tai hại là Tham thiền. Chẳng hạn tham thiền về tình thương sẽ chặn đứng được hận thù… Kỹ thuật ấy có thể làm suy giảm nhiều loại cảm xúc và tư duy đau đớn ở ta. Từ bi vô biên không có nghĩa Phật tính đang ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người là một thể dạng nhu nhược – không  xúc động, thiếu cảm thông đối với những sinh linh có giác cảm khác.

Hãy cùng suy tư về sự thực của khổ đau và nguồn gốc của nó. Muốn vậy thì trước hết ta phải nắm được cách “suy nghĩ tỉnh táo” và đó là một trong những phẩm chất cơ bản nhất để làm một người tốt. Không tỉnh táo suy nghĩ thì dù chúng ta có được thực quyền dân chủ đi nữa vẫn có thể bị người khác chi phối và lợi dụng. Tiền đề vô cùng đơn giản để làm một người tốt là phải có quyền biết sự thật. Nắm chắc sự thật thì nhận thức mới đầy đủ và quyết định mới chuẩn.

Cỗi rễ của khổ đau ở đây chính là ta hiếm khi được biết sự thật. Đó là nghiệp buộc vào mà chưa biết cách gỡ ra. Nghiệp bị thúc đẩy và điều khiển bởi các thể dạng tâm thức. Những thể dạng này của tâm thức đẩy ta phạm vào sai lầm. Hãy tự hỏi mình khi một xúc cảm bấn loạn nổi lên trong ta, ta cảm thấy ra sao? Thử cùng thiền định trong chốc lát về chủ đề này và theo dõi xem ta cảm thấy ra sao khi những tư duy và những xúc cảm bấn loạn, chẳng hạn như giận dữ, hận thù, ganh tị và nhiều những thứ khác nữa, đang nổi lên làm cho ta bất an. Hãy thử một lần tập trung tấn công mạnh vào những thể dạng tàn phá của những tư duy ấy và những xúc cảm ấy xem sao.

Đời sống của mỗi sinh linh kéo dài được bao lâu, không ai biết: Tất cả đều suy thoái và phù du. Đạo Phật chắc chắn không phải là con đường tâm linh yếm thế, liên lụy tới một thứ ám ảnh bệnh hoạn mà nó chỉ là một sự thẳng thắn dám nói lên sự thật – nguồn khích lệ giúp ta chấp nhận cái chết.  Ví dụ như đã chỉ ra cho ta thấy một sự kiện tự nhiên của sự hiện hữu bốn sự thật cao quý – bốn thuộc tính đầu tiên thuộc vào sự thật của khổ đau. Và trong số bốn thuộc tính ấy – thuộc tính thứ nhất, là vô thường…

Trong kinh sách của Phật có viết về bốn thứ ma vương, tức là sức mạnh cản trở đày đọa con người. Ma vương thứ nhất là cái chết. Cái chết bắt đầu xảy ra trên những cấu hợp vật chất và tinh thần của ta và những cấu hợp này là ma vương thứ hai. Chuỗi dài nối tiếp những cấu hợp tâm linh kéo dài từ kiếp này sang kiếp khác và chu kỳ tiếp nối đó nằm trong đủ loại xúc cảm và tư duy bấn loạn và những xúc cảm và tư duy bấn loạn ấy chính là ma vương thứ ba. Những gì làm gia tăng thêm sức mạnh cho những nhân tố đau buồn chính là sự bám vứu và sự bám vứu là ma vương thứ tư. Người tu theo đạo hạnh của đức Phật phải không ngừng nỗ lực mới có thể chiến thắng được 4 thứ ma vương này – tức là chống lại được những xúc cảm và những tư duy bấn loạn, nguyên nhân đầu tiên của vô minh.

Muốn đạt được điều đó chúng ta phải giữ gìn một lối sống đẹp – với bất cứ lý do nào cũng đừng làm người khác bị tổn thương. Hãy tập trung suy tư về vô thường sẽ thấy trong mỗi cuộc đời người ai cũng có nỗi khổ riêng. Hãy biết cảm thông và đừng chạm vào vết đau của họ. Nếu ta nhận thức được cuộc sống của ta không phải là mãi mãi – trường tồn với thời gian, thì nên biết sợ hãi những ác nghiệp đang bám vứu. Muốn rũ sạch ác nghiệp thì mọi người cố gắng thực hành từ bi vô biên – sống với lối sống hợp đạo đức.

Tâm từ bi vô biên nuôi dưỡng xúc cảm ở trong mỗi một con người. Nó có khả năng loại trừ sự vô cảm đang hình thành như một thứ dịch bệnh trong xã hội kim tiền hôm nay. Nó giúp ta biết đau trước nỗi đau đồng loại. Biết buồn trước nỗi buồn của tất cả các sinh linh. Thứ tình cảm này là tình cảm tự nhiên – phật tính, vốn có ở mỗi con người.

Khi ta biết thương yêu và phóng sinh từ những loài thấp sinh thì đứng trước thực tại một số người tham gia biểu tình – đang bị “đạp lên nhân phẩm” cũng nên chia sẻ ít nhiều. Có thể là “lực bất tòng tâm” nhưng sự đời đôi khi chỉ cần ủng hộ bằng ánh mắt khích lệ hoặc nụ cười động viên thôi cũng đủ giúp họ vượt qua được những khó khăn trước các tình huống “lành ít, dữ nhiều”. Thí dụ bạn có thể tuyên bố rằng bạn kính trọng họ ở sự can đảm… Yên tâm đi chẳng ai qua khỏi cái sự vô thường nên đừng mãi sợ hãi nữa. Hãy thử một lần sống thật với lòng mình – với tâm từ bi, chắc sẽ cảm nhận được sự dễ chịu, thanh thản.

Chủ nhật 21/08/2011 và những gì sau chủ nhật 21/8 đang là ẩn số nếu lòng từ bi vô biên trong chúng ta cùng thức giấc. Hạnh phúc cũng sẽ ngọt ngào hơn nếu chúng sinh nơi này biết sống thật lòng. Phật tính luôn tồn tại trong cốt cách của mọi người. Yêu nước thương nòi là phẩm chất cao nhất và là sự thể hiện tập trung nhất của lòng từ bi vô biên.

Cầu cho đất nước an lành, nhà nhà hạnh phúc. Nam mô ADiĐà Phật./.